Tỷ phú Warren Buffett từng nhấn mạnh tầm quan trọng của kỹ năng giao tiếp: "Một cách dễ dàng để trở nên đáng giá hơn ít nhất 50% so với hiện tại là trau dồi kỹ năng giao tiếp của bạn, cả bằng văn bản và lời nói".
Ngay cả các tỷ phú khác như Bill Gates, Richard Branson hay nhà viên kiêm diễn giả người Mỹ Tony Robbins cũng đồng tình với quan điểm này của tỷ phú Warren Buffett. Tỷ phú Bill Gates từng có câu nói truyền động lực: "Tôi có niềm tin mạnh mẽ rằng bất kỳ công cụ nào giúp tăng cường giao tiếp đều có tác dụng sâu sắc, về cách mọi người có thể học hỏi lẫn nhau và cách họ có thể đạt được loại quyền tự do mà họ muốn".
Trong khi đó, Tony Robbins cho rằng cách chúng ta giao tiếp với người khác và với chính mình sẽ quyết định chất lượng cuộc sống của chúng ta.
Song một số người chưa nhận thức được những gì họ nói, cách họ nói ra và sự ảnh hưởng của giao tiếp đến cuộc sống. Họ thường mắc phải thói quen xấu và nói bất cứ điều gì nảy ra trong đầu mà không suy nghĩ.
Để tránh rơi vào tình trạng giao tiếp kém hiệu quả, bạn nên thành thục 3 kỹ năng dưới đây.
Lắng nghe thành thạo
Giao tiếp là kỹ năng quan trọng ai cũng cần giỏi, bất kể họ làm nghề gì. Song trước khi trở thành người giao tiếp tốt, bạn cần thành thạo kỹ năng lắng nghe. Nếu không, bạn sẽ hạn chế khả năng giao tiếp thành công với người khác và cuối cùng đánh mất uy tín.
Mọi người tin vào những gì họ thấy hơn là những gì họ nghe được. Vì vậy, hành động của bạn trong quá trình lắng nghe là điều tối quan trọng. Chẳng hạn, khi nghe người khác nói, bạn nên chú ý đến những chi tiết quan trọng và đưa ra câu hỏi về những chi tiết này. Chúng giúp cuộc trò chuyện đi sâu và hai bên có thể khám phá được nhiều thông tin hơn.
Để tránh bỏ sót và lãng quên, bạn cũng có thể viết ra giấy những điều quan trọng mà đối phương đang nói. Điều này giúp người nói tự tin hơn và cảm thấy đang được lắng nghe thực sự.
Người lắng nghe tốt có khả năng duy trì giao tiếp bằng mắt, tập trung hoàn toàn vào người nói. Đồng thời họ có thể diễn đạt lại những gì đã nghe, đặt câu hỏi mở và thể hiện ngôn ngữ cơ thể. Tuy nhiên, bạn nên lưu ý không nên nhìn chằm chằm vì điều này có thể gây khó chịu cho người đối diện.
Trước khi thành thục kỹ năng nói, bạn cần rèn luyện kỹ năng lắng nghe người khác. Ảnh: LiveAbout.
Làm chủ tính cách và khả năng truyền cảm xúc
Bạn là người "dễ nói chuyện" hay "khó gần" một phần phụ thuộc vào tính cách của bạn. Điều quan trọng là phải hiểu mức năng lượng của bạn trong quá trình giao tiếp. Bởi mức năng lượng đó tạo ra ấn tượng ban đầu đối với người khác, quyết định xem họ có nên trò chuyện với bạn hay không.
Ngoài ra trong bất kỳ tình huống nào, hãy là chính mình và thể hiện phiên bản tốt nhất của bản thân. Bạn sẽ tạo được uy tín tốt hơn nếu tính cách của bạn tỏa sáng. Người nghe sẽ cảm thấy bạn đáng tin hơn khi họ có thể nhìn nhận bạn với tính cách thật.
Bên cạnh đó, âm sắc trong giao tiếp giúp truyền đạt cảm xúc của người nói. Thông qua giọng điệu thân thiện, một câu hỏi cá nhân hay đơn giản là nụ cười, bạn sẽ khuyến khích người đối diện tham gia giao tiếp cởi mở và trung thực. Bạn cũng đừng quên thể hiện thái độ lịch sự trong khi giao tiếp.
Người giao tiếp khéo léo biết cách điều chỉnh giọng điệu một cách có chủ đích với từ ngữ phù hợp. Điều này cho phép họ truyền đạt chính xác những gì họ muốn.
Thái độ tích cực cùng giọng nói tươi vui giúp người đối diện chú ý lắng nghe hơn. Ảnh: Harvard University.
Thành thạo khả năng nói trước công chúng
Bạn không nên lười biếng trong khi giao tiếp, ngay cả với những cuộc hội thoại ngắn như nhắn tin. Bạn cần đảm bảo những gì được nói ra có ý nghĩa và không phải từ ngữ sáo rỗng. Người giao tiếp giỏi tôn trọng sức mạnh của lời nói và học cách giao tiếp với sự chính xác, chu đáo.
Ngoài ra, giao tiếp tốt nghĩa là nói vừa đủ, không quá nhiều hoặc quá ít. Nếu nói quá lan man, người nghe sẽ không nắm được trọng tâm thông tin đang truyền đạt. Ngược lại, thông tin quá ít sẽ tạo sự nhàm chán, khiến cuộc trò chuyện nhanh chóng kết thúc.
Người giao tiếp tốt tham gia vào bất kỳ cuộc trò chuyện nào với sự linh hoạt và cởi mở. Hãy cởi mở để lắng nghe và hiểu quan điểm của người khác, thay vì chỉ đơn giản là truyền tải thông điệp của bạn.
Không chỉ lời nói, ngôn ngữ cơ thể còn là cách truyền tải thông điệp một cách hiệu quả. Ngôn ngữ cơ thể là yếu tố quan trọng khi tạo ấn tượng đầu tiên, tác động đến thông điệp của người nói và chiếm được lòng tin của người nghe.
Điều quan trọng là phải lựa chọn từ ngữ cẩn thận và khôn ngoan, lắng nghe bản thân, nhận thức được những gì bạn nói và thể hiện sự tôn trọng đối với người nghe. Bạn càng tạo được hiệu quả giao tiếp, bạn càng trở nên tự tin trong cuộc sống. Sự tự tin đó có thể đem về cho bạn những cơ hội làm quen với người mới hay sự thăng tiến trong công việc…
Không chỉ lời nói, ngôn ngữ cơ thể cũng là yếu tố quan trọng giúp đạt hiệu quả giao tiếp. Ảnh: Forbes.
Theo Cafef