Không lo lắng, sống vui vẻ:
Thành công của một người, được quyết định bởi phản ứng của người đó với sự phiền toái và những bất ngờ xảy ra trong một ngày làm việc bận rộn. Sự lo lắng sẽ chẳng giúp ích gì cho bạn trong khi nếu bình tĩnh phân tích tình hình, bạn có thể tháo gỡ được cả một đống vấn đề nan giải.
Luôn mỉm cười và có một tâm trạng vui vẻ cũng chứng minh cho sếp thấy sự nhiệt tình đón nhận những thử thách của bạn.
Nhận nhiều việc hơn:
Chắc chắn sếp sẽ cộng điểm cho bạn nếu bạn hăng hái nhận thêm nhiều việc mới. Đó cũng là cách bạn thể hiện sự hứng thú với công việc và khẳng định giá trị của mình.
Điều này cũng có nghĩa bạn sẵn sàng cho cuộc đua dài và hoàn thành việc vượt chỉ tiêu cần thiết.
Đến sớm, về muộn:
Đến công ty sớm 15 phút khiến đồng nghiệp có ấn tượng rằng bạn luôn luôn ở công sở. Ở lại muộn 10 phút sẽ khiến sếp thấy bạn là người mẫn cán luôn cố gắng hoàn thành công việc đúng thời gian.
Thể hiện sự cống hiến:
Hãy cho sếp biết bạn là người rất đáng “đồng tiền bát gạo”. Đưa ra những giải pháp cho một trục trặc, góp ý cho một đề án, lên một kế hoạch… Dù có làm gì thì cũng nên cố gắng để sếp biết những ý tưởng đó là của bạn, do cái đầu thông minh của bạn nghĩ ra.
Thời buổi mà “Lý Thông nhiều hơn Thạch Sanh” này, công sức của bạn nếu không cẩn thận rất dễ biến thành dã tràng xe cát.
Biết chịu trách nhiệm:
Luôn chắc chắn rằng, sếp biết bạn đang chịu trách nhiệm trong một hay nhiều việc cụ thể nào đó, và cũng chuẩn bị sẵn sàng tâm lý nhận trách nhiệm nếu có sai sót. Chỉ những người dám làm dám chịu thì mới có cơ hội để vươn lên.
Đếm số lượng công việc:
Đây không phải là việc tủn mủn, mà là cách tốt nhất để sếp biết năm nay bạn làm việc tốt hơn năm trước.
Thường thì các sếp không để ý những việc này, nhưng phải so sánh thật khéo léo chứ.
Ăn mặc ấn tượng:
Sếp nào chẳng muốn nhân viên của mình có ngoại hình cũng tốt như năng suất làm việc của anh ta. Điều này có nghĩa là; bạn luôn phải giữ đôi bàn tay sạch, quần áo phẳng và càng “thơm” càng tốt.
Tất nhiên, cũng phải tùy theo vị trí công việc, nhân viên kế toán không thể diện đồ như chị lao công.
Hỏi khéo về sự thăng tiến:
Hãy khéo léo cho sếp biết, bạn rất hứng thú với công việc và mong được tiến xa hơn ngay trong vài tuần đầu khi bắt đầu một công việc mới.
Sếp chẳng những không đánh giá thấp, mà có thể còn rất ấn tượng với cách bạn thể hiện mình là người của công ty như vậy.
Chọn bạn mà chơi:
Hòa đồng với những người có vị trí trong công ty sẽ giúp bạn thăng tiến nhanh hơn. Ngồi cạnh họ trong giờ ăn trưa, góp lời cho dăm ba câu chuyện phiếm với họ lúc cuối giờ chiều… là cách để bạn tiếp cận và làm thân.
Chính họ sẽ đề bạt bạn với sếp, nếu bạn thực sự là người được việc. Nhưng tất nhiên không nên vì thế mà coi thường hoặc bỏ qua những người “đầu trần chân trắng” – có thể họ sẽ quyết định kết quả bỏ phiếu tín nhiệm của bạn đấy. Tốt nhất là làm sao để được lòng cả đôi bên.
Biết giúp đỡ sếp:
Giúp sếp hoàn thành báo cáo hay cùng sếp bàn những vấn đề cả hai cùng quan tâm, tạo nên một mối quan hệ tốt hơn.
Luôn nói về điểm tốt của sếp (nhưng không nịnh) và luôn hỏi ý kiến để sếp cảm thấy tự hào là cách ghi điểm nhanh hơn cả.