Từ chuyện khăng khăng một mình làm quá nhiều đến né tránh đối thoại trực tiếp, những điểm mù phổ biến của lãnh đạo có nguy cơ gây hại lớn cho doanh nghiệp.
Để trở thành nhà quản lý thành công, bạn phải học cách nhận ra những điểm mù của mình và khắc phục chúng.
Lãnh đạo dễ mắc phải những hành vi có hại và suy yếu cả đồng đội lẫn tổ chức. Để trở thành nhà quản lý thành công, bạn phải học cách nhận ra những điểm mù của mình và khắc phục chúng. Để làm được việc này đòi hỏi nhà lãnh đạo phải có kỹ năng lãnh đạo vững vàng,
Ai trong chúng ta cũng có điểm mù. Đó là những hành vi bất lợi mà ta không biết nhưng người khác lại thấy rõ. Mù trong cách cư xử để lại những hậu quả tai hại dù ta không cố ý: phá hỏng quyết định, giảm tầm hiểu biết, gây thù nghịch, chia rẽ ngấm ngầm, phá hoại sự nghiệp, tạo ra kết quả xấu.
Lúc êm đẹp, điểm mù chỉ làm người khác bực bội, khó chịu. Lúc khó khăn, điểm mù có thể dẫn đến chết người.
Không ai được miễn nhiễm điểm mù, nhưng lãnh đạo thì dễ gặp nguy hiểm hơn. Đúng là họ phải thường xuyên chuyển hướng những thay đổi lớn và giải quyết những tình huống căng thẳng, nhưng thêm vào đó, họ còn tự mang vào mình niềm tin: “Tôi là lãnh đạo, nên tôi phải trả lời được mọi câu hỏi, phải biết nên làm gì, và có khả năng đương đầu với thử thách một mình”. Đối với nhiều người, nhu cầu Tôi Phải Đúng lớn hơn cả tính hiệu quả.
Điểm mù không phải là thói xấu, cũng không nói lên ác tâm. Chúng là những hành vi tự động. Tự bản chất, hành động phạm tội không phải là điểm mù. Chúng trở thành điểm mù khi không được nhận biết và quản lý đúng.
Dưới đây là một số điểm mù khi làm tư vấn cho một nhà lãnh đạo:
Chia sẻ gánh nặng
Điểm mù thứ nhất là làm việc đơn độc. Đây là cách các nhà lãnh đạo độc lập thể hiện sức mạnh và sự kiên cường của mình. Nếu bạn có khuynh hướng tự mình gánh mọi gánh nặng cuộc sống và vô tình loại trừ người khác: đồng đội, bạn bè, gia đình, thì bạn phải biết rằng đó chính là điểm mù của bạn.
Một số triệu chứng của thái độ làm việc đơn độc là từ chối sự ủng hộ, giúp đỡ của người khác, không nhờ cậy, không chia sẻ áp lực, căng thẳng, lo âu, tách biệt mọi người và rút lui khỏi đám đông, suy nghĩ và quyết định mà không để tâm đến người khác.
Thật ra, cư xử như vậy khiến người khác tức giận, phẫn nộ và cảm thấy bị coi thường. Thay vì giao quyền cho toàn đội thì bạn lại cắt cụt quyền đó bằng cách từ chối chia sẻ trách nhiệm, thông tin và quyền quyết định. Nhân viên sẽ mất nhiệt huyết, còn bạn mất sự ủng hộ của họ.
Nhận biết tác động
Điểm mù thứ hai là khuynh hướng thiếu nhạy cảm của lãnh đạo. Lãnh đạo không biết tác hại do cách hành xử của mình gây ra. Khả năng hiểu phản ứng người khác của họ thấp, có lẽ do chưa từng sống cho người khác nhiều.
Là lãnh đạo, tác hại của sự vô cảm sẽ cao hơn bình thường, vì bạn nắm trong tay vận mệnh của người khác. Nếu cứ liên tục phạm sai lầm mà chính bạn không biết thì nhân viên cũng chẳng có chọn lựa nào khác ngoài việc bị loại ra.
Với riêng cá nhân người lãnh đạo, có thể ý định thì tốt nhưng hành động lại không hiệu quả. Đó là khi bạn mong muốn người khác ứng đáp giống bạn, không biết đến khác biệt về văn hóa, và quay lưng với những phản hồi từ người khác về hành vi của bạn.
Khi thiếu nhạy cảm với người khác, mọi người sẽ rút lại niềm tin đặt vào bạn. Họ sẽ chịu đựng bạn, coi bạn là kẻ đứng bên lề, hoặc nghỉ chơi với bạn.
Kiềm chế
Các nhà quản lý thường có nỗi sợ đối diện với những phản ứng tiêu cực, rắc rối tình cảm, mâu thuẫn leo thang hay đánh mất mối quan hệ. Nhiều người lo lắng về việc kiện cáo, hoặc tìm cách nào đó để chỉ bộc lộ thái độ không vừa lòng của mình ở mức ít nhất.
Điểm mù này đưa bạn vào tình thế lưỡng nan: không thể nói ra, và cũng không giải quyết được. Khi tránh những cuộc đối thoại khó khăn, rắc rối sẽ lập đi lập lại, và vấn đề sẽ leo thang. Tệ hơn nữa, qua cách cư xử của bạn, mọi người sẽ nghĩ rằng những hành vi không thể chấp nhận sẽ được dung thứ trong tổ chức. Bạn đối xử đồng đều với nhân viên giỏi và dở khiến mọi người không biết vị trí của mình là ở đâu.
Dấu hiệu của điểm mù này là bạn làm dịu thông điệp, nói chung chung thay vì nêu lên trường hợp cụ thể, và bạn hi vọng mọi người tự hiểu ra thay vì nói thật cho họ biết họ thiếu sót chỗ nào.
Khi tránh né những cuộc đối thoại khó khăn, bạn chẳng làm được điều gì tốt cho ai cả. Mọi người bối rối về những thông điệp lẫn lộn của bạn. Họ không biết vì sao mình không được thăng tiến trong khi không ai trao đổi thẳng thắn với họ về những việc họ làm. Họ nghĩ bạn không để ý, còn người khác nhìn vào sẽ thấy bạn chẳng quan tâm.
Không thể sửa chữa điểm mù nếu đúng lúc phạm phải chúng mà bạn lại không nhận ra. Trước tiên, hãy yêu cầu người khác cho bạn phản hồi trung thực, vì chỉ riêng bạn ngồi suy nghĩ về tác động của hành vi của mình đến người khác thì chưa đủ.
Thứ hai, hãy giải trình về tác động của bạn và ngưng biện hộ bằng cách nêu lên ý định tốt đẹp của mình, bởi người khác đánh giá bạn qua hành động chứ không qua ý định.
Thứ ba, trong quá trình làm việc có những người nhìn thấy điểm yếu của bạn, hãy nhờ họ nhắc bạn ngay lúc điểm mù xuất hiện.
Cuối cùng, ngay khi nhận biết hành vi không đúng, hãy dừng lại.
Thử can đảm nói với mọi người rằng: “Nãy giờ tôi nói vòng vo nhiều quá. Tôi đã tự cam kết sẽ trao đổi thẳng thắn với các anh, nên bây giờ tôi sẽ bắt đầu lại”. Và, hãy bắt đầu lại! Mục tiêu không phải là sự hoàn hảo, mà là nhận biết điểm mù của mình và sửa sai ngay.